Vừa qua, tỉnh Bắc Kạn ghi nhận 6 bệnh nhân xác nhận nghi nhiễm vi khuẩn não mô cầu. Trong đó, 2 ca nhập viện trước là hai bà cháu đã không qua khỏi, 4 người còn lại đang được điều trị tích cực. Đáng chú ý, 6 bệnh nhân trên đều là thành viên trong cùng một gia đình và 2 trong số đó được xác định mắc viêm màng não do não mô cầu. Trước đó không lâu, Bệnh viện Quân y 105 (Hà Nội) đã ghi nhận ca nhiễm viêm não mô cầu đầu tiên trong năm 2024.

Theo các bác sĩ, viêm màng não do não mô cầu không phải là một bệnh hiếm gặp nhưng hậu quả rất nghiêm trọng, có thể gây tử vong trong 24h đầu tiên kể từ khi có triệu chứng, bệnh lây qua đường hô hấp nên một người mắc có thể lây lan cho cả gia đình.

Nhận biết bệnh viêm màng não do não mô cầu gây ra

Bệnh viêm màng não do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra, với khoảng 50% ca bệnh ở dạng viêm màng não, 38% biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và 9% là viêm phổi do vi khuẩn. Loại vi khuẩn này thường sẽ trú ẩn trên bề mặt niêm mạc của vùng hầu họng và lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các hạt chất tiết đường hô hấp từ người bệnh và người lành mang trùng. Tỷ lệ tử vong do bệnh viêm màng não mô cầu rơi vào khoảng 10 đến 15% và có khoảng 20% người để lại di chứng lâu dài như khuyết tật.

Vi khuẩn não mô cầu gồm 13 nhóm có khả năng gây bệnh, trong đó nhóm A, B, C, Y, W-135, X là 6 nhóm gây bệnh nguy hiểm nhất.

Các triệu chứng của bệnh viêm màng não do não mô cầu gây ra thông thường sẽ xuất hiện đột ngột và khá dữ dội như: sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, cổ cứng, ho, đau họng, ớn lạnh, rét run, co giật, tiêu chảy, buồn nôn và nôn ói. Đối với trẻ nhỏ, có một số dấu hiệu xuất phát từ sự thay đổi lối sinh hoạt thường ngày như: ngủ li bì, kén ăn, bỏ bú, chán chơi, phát ban… Trẻ sơ sinh bị viêm màng não mô cầu sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng khác như: chỗ mềm căng phồng, khó di chuyển, tiếng khóc kèm theo âm thanh the thé, rên rỉ.

Trong trường hợp trẻ xuất hiện nốt ban có màu xanh tím hoặc đỏ thẫm trên da chính là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị nhiễm độc nặng, có khả năng gặp biến chứng nhiễm trùng huyết, suy đa tạng, thậm chí là tử vong trong vòng 24 giờ nếu không được can thiệp kịp thời. Đặc biệt, các triệu chứng của viêm màng não mô cầu xảy ra ở trẻ em thường tương tự với triệu chứng của các bệnh đường hô hấp nên dễ nhầm lẫn trong chẩn đoán và điều trị, từ đó khiến bệnh biến chứng nặng hơn.


Ban đỏ trong viêm não mô cầu

Ngoài hai bệnh cảnh viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết, vi khuẩn não mô cầu còn gây ra một số biến chứng nguy hiểm khi bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời, cụ thể như sau: tăng áp lực nội sọ, đông máu nội mạch rải rác, xuất hiện co giật, trụy tuần hoàn, suy các cơ quan. Ngoài ra, còn có các biến chứng xuất hiện muộn hơn như: điếc, mù lòa, suy giảm thần kinh kéo dài, não bộ kém phát triển, giảm chỉ số IQ, hoại tử nghiêm trọng dẫn đến cắt cụt chi.

Phòng ngừa bệnh viêm màng não do não mô cầu

Để phòng bệnh viêm màng não mô cầu, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi ở; đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh; dự phòng bằng thuốc và quan trọng nhất là tiêm vắc xin viêm màng não do não mô cầu để phòng bệnh.

Việt Nam đã có vắc xin phòng 5 nhóm huyết thanh não mô cầu nguy hiểm và phổ biến nhất là A, B, C, Y, W-135, gồm vắc xin thế hệ mới Bexsero (Ý) phòng não mô cầu nhóm B, vắc xin VA-Mengoc BC (Cuba) phòng não mô cầu nhóm B và C, vắc xin phòng não mô cầu cộng hợp tứ giá ACYW-135 (Menactra – Mỹ).

Trẻ từ 2 tháng đã có thể tiêm vắc xin thế hệ mới Bexsero phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm B. Vắc xin VA-Mengoc-BC sẽ tiêm cho trẻ từ 6 tháng để phòng bệnh viêm màng não mô cầu nhóm BC và đến 9 tháng trẻ cần tiêm vắc xin Menactra phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm ACYW-135, hoàn thiện combo các vắc xin bảo vệ khỏi vi khuẩn não mô cầu các nhóm A, B, C, Y, W-135.

Không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng cần tiêm vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu, vì những người lành mang trùng là nguyên nhân chính dẫn đến việc lây lan mầm bệnh khó kiểm soát trong cộng đồng. Cho nên người lớn (đặc biệt là người có bệnh nền) cần tiêm phòng càng sớm càng tốt. Vắc xin ngừa viêm màng não do não mô cầu không có khả năng phòng ngừa chéo, vì vậy, dù đã được tiêm ngừa vắc xin phòng viêm màng não mô cầu nhóm B, vẫn cần tiêm thêm vắc xin phòng các nhóm A, C, Y và W-135.

Nguồn: VNVC