Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm vi rút từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh.

Biểu hiện và phân biệt với mọc răng, phát ban

Bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Tuy nhiên có những trẻ chỉ nổi nốt ở ngoài da tay chân mà miệng không có biểu hiện và ngược lại.

"Đối với những trường hợp khó đôi khi bác sĩ cần phải có kinh nghiệm về bệnh tay chân miệng mới có thể chẩn đoán bệnh. Do đó, việc phụ huynh nhầm lẫn giữa tay chân miệng và các bệnh khác là điều dễ hiểu", bác sĩ Thoa nói.

Cũng theo bác sĩ Thoa, tay chân miệng không có thuốc điều trị đặc hiệu và đến nay cũng chưa có vaccine phòng ngừa nên việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và theo dõi biến chứng. Khi trẻ nghi ngờ mắc tay chân miệng, cha mẹ nên cho trẻ đi khám để có chẩn đoán sớm. Đối với tay chân miệng, trẻ phải tái khám thường xuyên, thường là cách khoảng 1-2 ngày để phát hiện kịp thời biến chứng nếu có.

Cha mẹ nên cho trẻ đến viện càng sớm càng tốt nếu trẻ có những dấu hiệu như sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt quá 48 tiếng, hay trẻ có biểu hiện ngủ giật mình chới với, đi không vững như bình thường hoặc có biểu hiện nôn ói, nhợn ói liên tục, thở bất thường, thở mệt hoặc ngủ li li bì không thức dậy, vã mồ hôi lạnh...

Chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng

Mặc dù 70% ca tay chân miệng ở thể nhẹ, đa số tự khỏi nhưng cũng có một số trẻ gặp phải biến chứng nặng nếu mắc tay chân miệng. Trường hợp biến chứng nặng có thể tấn công vào não gây tổn thương trung tâm hô hấp tuần hoàn làm cho trẻ dễ diễn tiến tới suy hô hấp, tuần hoàn, có thể tử vong.

Theo bác sĩ Kim Thoa, với trẻ được chẩn đoán mắc tay chân miệng, cha mẹ nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi trẻ bị sốt an toàn nhất là sử dụng paracetamol. Một số trẻ không sốt cao nhưng nếu bé bị đau miệng do loét họng nhiều thì cũng có thể sử dụng thuốc paracetamol để giảm đau miệng.

Tại nhà, các bậc phụ huynh nên lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng. Phụ huynh nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, mềm, không cho trẻ ăn thức ăn chua, quá nóng hay cay. Nếu cần, có thể xay nhuyễn thức ăn. Bên cạnh đó, cha mẹ cần quan tâm đến vệ sinh răng miệng cho trẻ vì những trẻ bị tay chân miệng rất ngại đánh răng và dễ ứ đọng nước miếng do trẻ bị đau miệng, không dám nuốt. Nếu cha mẹ không giữ vệ sinh răng miệng cho tốt cho trẻ, trẻ sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng răng miệng, đặc biệt là viêm nướu răng, làm cho thời gian điều trị kéo dài và nguy cơ trẻ bị sụt cân.

Đối với vấn đề chăm sóc da, phải thường xuyên tắm rửa cho trẻ, để trẻ ăn mặc thoáng mát, không ủ trẻ quá kín, tránh không bôi hoặc đắp các loại lá cây hay thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

Tính đến 21/5 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) ghi nhận hơn 620 ca tay chân miệng trong tuần qua, tăng gần gấp ba lần so với trung bình một tháng trước. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận gần 1.600 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 96% trẻ bệnh ở độ tuổi 1-5. Số ca tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Theo các chuyên gia, khi mọi hoạt động xã hội trở lại bình thường sau thời gian gián đoạn do Covid-19, trẻ đi học và giao lưu nhiều, những dịch bệnh lưu hành thường niên như tay chân miệng sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay.

Nguồn tham khảo: https://vnexpress.net